...

[LMS2024] Lĩnh vực Bất động sản - Hội thảo "Pháp lý và tài chính trong giao dịch M&A bất động sản dưới tác động của khuôn khổ pháp lý mới"

11 Tháng 7, 2024
 
Sáng ngày 11 tháng 7 năm 2024, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Liên đoàn Thương mại Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh khu vực TP. HCM (VCCI - HCM) phối hợp cùng triển khai Hội thảo "Pháp lý và tài chính trong giao dịch M&A bất động sản dưới tác động của khuôn khổ pháp lý mới". Sự kiện đã diễn ra thành công tốt đẹp với sự tham gia của gần 200 đại biểu là các doanh nghiệp, luật sư, cùng các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Sự kiện thuộc khuôn khổ Chuỗi sự kiện về Quản trị Pháp lý doanh nghiệp 2024 (tên tiếng Anh: “Legal Management Series 2024” – LMS 2024).
 
Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Liên đoàn Thương mại Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh khu vực TP. HCM (VCCI HCM)
 
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Liên đoàn Thương mại Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh khu vực TP. HCM (VCCI HCM) nhận định bộ ba văn bản quy phạm pháp luật ghi nhận nhiều điểm mới đặt trọng tâm vào việc tạo ra môi trường phát triển lành mạnh, an toàn, tăng tính thị trường, góp phần hài hòa lợi ích và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai. Ông Liêm kỳ vọng, những thay đổi này sẽ có tác dụng “thanh lọc” thị trường, gia tăng tính cạnh tranh, để tồn tại các doanh nghiệp buộc phải hoạt động chuyên nghiệp hơn. Ông Liêm nhấn mạnh, khi thị trường và khung khổ pháp lý có nhiều biến động, sự nhận thức và đánh giá chính xác về thị trường cũng như về M&A được xem là yếu tố “vàng” các nhà đầu tư khi tham gia vào các giao dịch này. Ông Liêm hoan nghênh hoạt động có ý nghĩa lớn với cộng đồng doanh nghiệp như Hội thảo này, ông kỳ vọng, thông qua hội thảo, các ý kiến trao đổi sẽ cung cấp bức tranh về diễn biến thị trường đối với các giao dịch M&A bất động sản, qua đó, trang bị cho doanh nghiệp những kiến thức cần thiết khi triển khai các giao dịch này.
 
Ông Lê Xuân Đồng - Giám đốc, EY-Parthenon – Tư vấn Chiến lược, Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam
 
Mở đầu Hội thảo, Ông Lê Xuân Đồng - Giám đốc, EY-Parthenon – Tư vấn Chiến lược, Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam chia sẻ tham luận với chủ đề “Xu hướng M&A trong lĩnh vực Bất động sản tại khu vực Đông Nam Á và Việt Nam”. Ông Đồng cho biết, trong nửa đầu năm 2024, thị trường M&A tại khu vực Đông Nam Á có xu hướng suy giảm cả về tổng giá trị và số lượng thương vụ. Dù vậy, giá trị giao dịch lại tăng lên gần 9% so với cùng kỳ năm trước, cụ thể từ năm 2023 đến 6 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam tăng vọt lên đến 61.4%. Điều này chứng tỏ thị trường bất động sản Việt Nam rất có sức hút đối với nhà đầu tư nước ngoài đến từ Mỹ, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc nhờ tiềm năng tăng trưởng kinh tế ổn định. Trong đó, bất động sản công nghiệp, bán lẻ, dự án bất động sản nhà ở là những phân khúc bất động sản được các nhà đầu tư rất quan tâm. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài cũng có xu hướng ưa chuộng các dự án tuân thủ các tiêu chí “xanh”, phát triển bền vững, điều này giúp họ có cơ hội tiếp cận với các nguồn tài chính xanh với lãi suất cạnh tranh trong giao dịch mua lại. 
 
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia
 
Nối tiếp phần chia sẻ của ông Lê Xuân Đồng, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia đã có phần chia sẻ về thực trạng và giải pháp về tình hình tài chính bất động sản tại Việt Nam. Theo ông Lực có 06 yếu tố tác động tới thị trường bất động sản, trong đó, yếu tố về tài chính liên quan đến các vấn đề như thuế, phí, nguồn vốn và năng lực tài chính của doanh nghiệp luôn là vấn đề được quan tâm. Theo đó, ông Lực cho biết, theo ước tính, trong cơ cấu thị trường tài chính theo khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế năm 2023, có tới 49.3% vốn đến từ nguồn tín dụng ngân hàng. Như vậy, dựa vào tình hình chuyển dịch chính sách từ “chặt chẽ, chắc chắn” sang “linh hoạt, nới lỏng”, lãi suất cho vay sẽ duy trì ở mức thấp trong năm 2024 - 2025 nhằm tập trung kiểm soát và ổn định thị trường. Ông Lực đánh giá Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều dư địa để phát triển thị trường tín dụng nhà ở, bất động sản khu công nghiệp, v.v… Ông Lực nhấn mạnh, chúng ta phải giải quyết được những vướng mắc tháo gỡ các dự án, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, phát triển hài hoà bằng việc vừa kiến tạo phát triển song vẫn kiểm soát chặt chẽ những rủi ro.
 
Ông Nguyễn Minh Đa​ - Phó tổng Giám đốc, Dịch vụ Tư vấn thuế​ Forvis Mazars Việt Nam
 
Tiếp tục Hội thảo, Ông Nguyễn Minh Đa​ - Phó tổng Giám đốc, Dịch vụ Tư vấn thuế​ Forvis Mazars Việt Nam​ cũng có nhiều trao đổi liên quan đến Nghĩa vụ về thuế trong giao dịch M&A bất động sản và hướng dẫn về vấn đề quản lý thuế ở từng giai đoạn trong quá trình M&A. Ông Đa cho biết, Nhà đầu tư mua lại BĐS từ công ty BĐS sẽ không phải chịu thuế quyền sử dụng đất, chỉ chịu thuế phổ thông đối với các tài sản, công trình trên đất, doanh nghiệp sẽ chịu 20% thuế thu nhập doanh nghiệp và lãi không được bù trừ với lỗ hợp đồng kinh doanh chính. Theo kinh nghiệm cá nhân, ông Đa chia sẻ các hoạt động chuyển nhượng sẽ có rủi ro về thuế, thời gian và chi phí thành lập công ty vận hành Bất động sản và trị giá riêng. 
 
LS. Nguyễn Trúc Hiền - Luật sư Thành viên Công ty Luật TNHH Quốc tế Việt Nam (VILAF)
 
Kế đến, LS. Nguyễn Trúc Hiền - Luật sư Thành viên Công ty Luật TNHH Quốc tế Việt Nam (VILAF) có phần chia sẻ liên quan đến những thay đổi của quy định pháp luật tác động đến hoạt động M&A bất động sản. Theo bà Hiền, thị trường bất động sản vẫn luôn là điểm sáng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, thời gian trước vẫn tồn tại nhiều rào cản, đặc biệt là rào cản về phát lý khiến hoạt động M&A chưa thể bứt phá. Trong thời gian tới đây, nhiều quy định thay đổi “toàn diện” sẽ giúp các chủ đầu tư dễ dàng hơn trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, qua đó, giá đất theo giá thị trường sẽ tăng, từ đó, vừa tạo ra lợi ích cho người sở hữu đất vừa giúp giảm khó khăn cho các chủ đầu tư trong quá trình đền bù ở các dự án. Luật Đất đai 2024 cũng bổ sung thêm nhiều quyền lợi cho nhà đầu tư nước ngoài như về việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, sử dụng đất do nhận chuyển nhượng dự án bất động sản và mở rộng phương thức nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Bà Hiền đánh giá, các quy định mở cửa là tiền đề để đón làn sóng M&A nước ngoài trong thị trường này, tuy nhiên, nhà đầu tư nên có những nghiên cứu và tìm hiểu kỹ lưỡng về khung khổ pháp lý khi cân nhắc “xuống tiền” để đảm bảo thương vụ diễn ra thuận lợi. 
 
LS. Hoàng Nguyễn Hạ Quyên - Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH LNT & Thành viên, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Hòa giải viên Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC)
 
Tại Hội thảo, LS. Hoàng Nguyễn Hạ Quyên - Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH LNT & Thành viên, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Hòa giải viên Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) đã có phần trình bày tham luận với chủ đề “Sự phân hóa của giao dịch M&A bất động sản và các tình huống pháp lý mới phát sinh”. Theo thống kê của Tổng cục thống kê, thời gian gần đây, FDI đăng ký vào Việt Nam tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm 2023, hoạt động kinh doanh bất động sản tăng gấp 4,7 lần cùng kỳ và chiếm gần 20% tổng vốn đăng ký cấp mới.​ Nổi bật, nhà đầu tư có xu hướng quan tâm nhiều hơn tới các dự án nhà ở, khu công nghiệp, khu du lịch nghỉ dưỡng, trong đó, bên cạnh nhiều hình thức khác, cấu trúc giao dịch phổ biến có thể kể đến như chuyển nhượng vốn trong công ty dự án, chuyển nhượng dự án hoặc một phần dự án. Bên cạnh đó, bà Quyên chia sẻ một số khía cạnh pháp lý về hình thức chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng dự án bất động sản, chuyển nhượng quyền thuê đất. 
 
LS. Nguyễn Thị Thanh Minh​ - Cố vấn cấp cao, Trưởng bộ phận giải quyết tranh chấp ACSV Legal​
 
LS. Nguyễn Thị Thanh Minh​ - Cố vấn cấp cao, Trưởng bộ phận giải quyết tranh chấp ACSV Legal​ trình bày liên quan đến mức độ phức tạp, nguyên nhân tranh chấp và yêu cầu đối với doanh nghiệp khi giải quyết tranh chấp M&A bất động sản trong bối cảnh mới​. Trên thực tế, trước khi có những cậu nhật về thẩm quyền của trọng tài đối với các tranh chấp liên quan đến đất đai trong Luật đất đai 2024 (theo điều 236),  đã có rất nhiều vụ tranh chấp phát sinh từ hợp đồng mua bán phần vốn góp trong đó công ty mục tiêu có sở hữu bất động sản tại Việt Nam vẫn còn tồn tại sự nhập nhằng trong việc phân loại “tranh chấp đất đai” và “tranh chấp thương mại”. Luật Đất đai 2024 đã có sự thay đổi linh hoạt hơn, cho phép trọng tài có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật về trọng tài thương mại.​ 
 
Phiên thảo luận với sự tham gia của TS. Cấn Văn Lực, Ông Lê Xuân Đồng, LS. Nguyễn Thị Thanh Minh, LS. Nguyễn Trúc Hiền, LS. Hoàng Nguyễn Hạ Quyên, Ông Nguyễn Minh Đa dưới sự điều phối của LS. Châu Việt Bắc
 
Sau phần chia sẻ đa chiều của các chuyên gia, Phiên thảo luận được triển khai dưới sự điều phối của LS. Châu Việt Bắc - Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) với sự giải đáp, trao đổi sôi nổi, tích cực của các chuyên gia và khách mời tham dự. Phiên thảo luận gợi mở cho doanh nghiệp giải pháp triển khai và kiểm soát hoạt động M&A phù hợp, thích nghi tốt với khung khổ pháp lý mới.
 
Toàn cảnh hội thảo
 

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI